VN Express | Hiệp sĩ dưa hấu hồi sinh làng nghề truyền thống 600 năm

Với tâm huyết của “hiệp sĩ dưa hấu” năm nào, giờ đây Trần Hữu Như Anh góp phần hồi sinh làng lụa Mã Châu vang bóng một thời.

“Giải cứu” dưa hấu giúp nông dân

Cuối tháng 3/2015, cơn lũ trái mùa nhấn chìm nhiều diện tích rau màu của nông dân Quảng Nam, Quảng Ngãi. Phần lớn trong số đó là dưa hấu chuẩn bị đến mùa thu hoạch. Tiếc của, nông dân mặc mưa to gió lớn vẫn lội nước ra đồng, thức trắng đêm thu hoạch dưa. Song, thời điểm đó, các thương lái đều từ chối thu mua dưa hoặc nếu mua thì mua với giá chỉ vài trăm đồng một kg.

chiến dịch giải cứu dưa hấu

Trước tình cảnh đó, Trần Hữu Như Anh (quê Điện Bàn, Quảng Nam) đã cùng nhóm bạn của mình tình nguyện thu mua dưa hấu cho nông dân. “Từng trải qua tình cảnh tương tự, thấu hiểu với sự mất mát của bà con, nên nghĩ sao làm vậy, tôi rủ thêm bạn bè rồi cùng nhau về quê mua dưa chở ra Hà Nội bán, được phần nào hay phần đó”, Như Anh nhắc lại.

Nhiều mạnh thường quân tại Hà Nội, TP HCM gọi điện ủng hộ về tinh thần và vật chất. Nhận được sự hỗ trợ, nhóm bạn trẻ cùng nhau vận chuyển dưa hấu ra tiêu thụ ở các tỉnh phía Bắc. Trần Hữu Như Anh cho biết, sau hơn một tháng triển khai, nhóm đã giúp tiêu thụ số dưa mà thương lái không thu mua, trao lại cho bà con nông dân số tiền lên đến hàng tỷ đồng  tưởng chừng như đã “mất trắng”.

Theo lời kể của “hiệp sĩ dưa hấu” Như Anh, anh vốn sinh ra và lớn lên tại vùng đất Quảng Nam, xưa kia là dinh trấn Thanh Chiêm – cái nôi của ngành tơ lụa xứ Đàng Trong.

“Bản thân tôi đã từng lớn lên bên những nương dâu xanh ngắt, những nong tằm vàng ươm và mùa bắt kén rộn ràng khắp thôn ngõ. Tôi cũng có cơ hội chứng kiến ngành nghề truyền thống quê hương rơi vào tình cảnh suy thoái trong cơn bão kinh tế thị trường”.

Dù xa xứ lập nghiệp, Như Anh cho biết mình trăn trở làm thế nào để phát huy thế mạnh của làng nghề truyền thống, góp phần xây dựng kinh tế quê hương.

Cơ duyên với nghề lụa của “Hiệp sĩ dưa hấu” Trần Hữu Như Anh

Trong chuyến về thăm quê cách đây không lâu, Như Anh có dịp trao đổi với một người anh họ về câu chuyện của làng lụa Mã Châu (Duy Xuyên, Quảng Nam). Đây là làng nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa nổi tiếng hơn 600 năm trước. Vào thế kỷ XVI, XVII, lụa Quảng Nam theo thương lái Hội An đi khắp thế giới, là thương phẩm nổi tiếng được ưa chuộng.

Lo lắng trước nguy cơ làng nghề mai một, Như Anh quay về với quê hương giữ nghề, góp phần gây dựng lại thương hiệu lụa Mã Châu nổi tiếng một thời.

Người con xứ Quảng bắt đầu đầu tư vốn tu sửa máy móc, khung dệt bỏ hoang lâu ngày, bảo trợ đầu ra cho lụa Mã Châu với số lượng cụ thể hàng tháng, từ đó đảm bảo được doanh thu và mức sống cho những người thợ địa phương.

Tuy nhiên, trong những năm cuối thế kỷ XX, khi lụa Trung Quốc bắt đầu tràn ngập thị trường, lụa Mã Châu không còn đủ sức cạnh tranh với những sản phẩm giá rẻ và mất dần chỗ đứng.

“Trước mắt là phục dựng lại làng nghề truyền thống, sau đó mở rộng quy mô sản xuất, thuê lại đất trồng dưa của nông dân để trồng dâu nuôi tằm, tạo công ăn việc làm cho bà con, biến Bến Đò Tơ thành nơi du lịch làng nghề để phát triển quê hương”, anh Như Anh nói về kế hoạch hồi sinh làng lụa truyền thống.

Theo “hiệp sĩ dưa hấu” Như Anh, hiện nay làng nghề Mã Châu đã chế tác được những sản phẩm lụa rất tốt. Làng lụa đã tìm ra kỹ thuật in phức tạp, phá bỏ đi định kiến lụa Việt chỉ in được những hoa văn đơn giản. Một trong số đó là kỹ thuật dát vàng lên lụa tơ tằm, đưa lụa Việt thành mặt hàng thời trang chất lượng cao.

lụa mã châu

Điều mà “hiệp sĩ dưa hấu” Như Anh và những nghệ nhân nơi đây trăn trở hơn cả là niềm tin của người tiêu dùng với lụa Việt. “Khó khăn trước mắt là bài toán về niềm tin của người tiêu dùng, nhưng tôi luôn có niềm tin mãnh liệt rằng nếu mình làm thật, bằng tất cả tâm huyết, người dân cả nước sẽ cùng chung tay với mình”, anh nói.

Để phục dựng và phát triển làng lụa Mã Châu nổi danh một thời, những người như Như Anh và những nghệ nhân làng lụa Mã Châu sẽ còn rất nhiều việc phải làm. Nhưng với khát khao và quyết tâm của những người con xứ Quảng, rất có thể trong tương lai gần, thương hiệu lụa Mã Châu, Duy Xuyên sẽ hồi sinh và khẳng định được vị thế xứng đáng của nó.

Theo Vnexpress.net

>>> Xem thêm: Đi tìm dấu vết lụa 100% silk